Tại sao phải BÃI BỎ nhà tù? - Angela Davis (1/2)

Đây là phiên bản văn bản của tập 82 của podcast Just Another Rant. Các bạn có thể nghe trên Youtube hoặc trên các ứng dụng podcast. 


Intro:

Xin chào các bạn, mình là Mai và đây là Just Another Rant. Như các bạn có thể đoán, hôm nay chúng ta không nói về nữ quyền, mặc dù sẽ có liên quan một phần. Như mọi lần, podcast của tụi mình là 1 podcast cây nhà lá vườn, mục tiêu của mình trong các tập gần đây là giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu cho mọi người, những khái niệm, văn bản (vd như sách, tiểu luận, bài báo khoa học này nọ) mà có thể hơi khó hiểu, khó tiếp cận hoặc không có trong tiếng Việt. Nếu có góp ý, trao đổi hay gợi ý tác phẩm, tác giả gì cho mình thì bạn luôn có thể comment hoặc nhắn tin cho mình (insta, fb, youtube) ha. Các bạn có thể ủng hộ mình bằng cách like share subscribe nếu bạn đang coi trên Youtube, rate 5 sao nếu bạn đang trên Spotify hay app podcast mà bạn sử dụng. Bạn có thể follow tụi mình trên instagram: @just.another.rant hay trên facebook: Just another rant. Link ở dưới phần mô tả nếu bạn cần. Và không phí thời gian của các bạn nữa, mình bắt đầu ha.

Đặt vấn đề:

Mình muốn các bạn nhắm mắt lại và tưởng tượng một thế giới lý tưởng. Ok, có lẽ một số trong các bạn đang tưởng tượng ra một thiên đường ăn uống hay gì đó kiểu vậy nhưng ý mình là, kiểu như, nếu chúng ta giải quyết những vấn đề của xã hội hiện tại và thành công trong việc xây dựng một xã hội lý tưởng trong tương lai thì xã hội đó nhìn như thế nào? Đứng trước câu hỏi đó, tùy theo quan điểm chính trị của mỗi người mà họ sẽ có câu trả lời khác nhau. Những người phản tư bản (cộng sản, xã hội chủ nghĩa, vô chính phủ,…) sẽ tưởng tượng một xã hội mà chủ nghĩa tư bản không tồn tại, không có sự thống trị của giai cấp nào lên giai cấp nào nữa, con người không còn bị bóc lột lao động, không còn phải đi làm để kiếm sống mà lao động để sáng tạo. Những người feminist (nữ quyền) sẽ tưởng tượng một xã hội mà chế độ phụ quyền bị bãi bỏ, sẽ không còn bất bình đẳng giới, sẽ không còn văn hóa hiếp dâm, sẽ không còn sự thống trị của nam giới, con người sống với nhau hòa hợp bất kể giới tính. Những người antiracist (chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc) sẽ tưởng tượng một xã hội mà thượng đẳng da trắng không tồn tại, không còn bất bình đẳng chủng tộc, con người sẽ không bị phân biệt đối xử vì màu da của mình. Hoặc thậm chí có thể tất cả những yếu tố đó cùng 1 lúc, vì bạn có thể vừa feminist vừa phản tư bản vừa chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà đúng ko?

Và đó là lúc Angela Davis sẽ bước vào và đặt 1 câu hỏi rất đau đầu: Xã hội mà bạn vừa tưởng tượng có nhà tù hay không? Thì phản ứng bình thường của mọi người là: ờm, ok, trong một xã hội hậu tư bản, hậu phụ quyền, hậu phân biệt chủng tộc thì vẫn có những người phạm tội chứ đúng hông? Đâu có ai ngây thơ tới mức nghĩ rằng trong xã hội đó thì tự nhiên con người sẽ ko bao giờ làm điều sai trái. Cho nên vẫn có nhà tù để đảm bảo sự an ninh cho xã hội. Và khả năng cao là các bạn cũng sẽ trả lời như vậy.

Angela Davis sẽ trả lời rằng: không, đó là điều không thể. Bởi vì hệ thống nhà tù là công cụ duy trì chủ nghĩa tư bản, chế độ phụ quyền và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Cho nên, bạn không thể vừa có xã hội hậu tư bản, hậu phụ quyền, hậu phân biệt chủng tộc mà vừa có hệ thống nhà tù được. Sai lầm của các bạn là các bạn đang tưởng tượng sai cái xã hội mà chúng ta đang nhắm tới, và nếu mục tiêu đặt ra từ đầu mà đã sai, đã có vấn đề thì… còn làm ăn gì nữa. Các bạn phải thêm vào mục tiêu của đấu tranh của các bạn một công việc nữa là: sự bãi bỏ nhà tù.

Và khi nghe nói vậy xong, thì mọi người sẽ kiểu: “Là sao má? Sao nhà tù lại duy trì chủ nghĩa tư bản, chế độ phụ quyền vs chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được? Gì nghe không liên quan gì hết vậy?” Angela Davis mới kiểu, “Haiz, thôi được rồi để tui viết 1 cuốn sách về chuyện này.” Và đó là cuốn sách mà chúng ta sẽ bàn luận ngày hôm nay, mang tên là “Are Prisons Obsolete?” (tạm dịch, Nhà tù có lỗi thời rồi không?).

Tác giả:

Angela Davis (sinh năm 1944) là một nhà hoạt động xã hội-chính trị, triết gia, học giả, tác giả người Mỹ. Trong sự nghiệp của mình, bà đã tham gia đấu tranh trong rất nhiều phong trào: phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nữ quyền, chống phân biệt chủng tộc, chống chủ nghĩa tư bản/chủ nghĩa đế quốc, và đặc biệt là phong trào kêu gọi bãi bỏ nhà tù. Bà là tác giả của nhiều cuốn sách rất quan trọng trong đó có Women, Race and Class (Phụ nữ, chủng tộc và giai cấp, xuất bản 1981 và có thể mình sẽ nói về quyển này trong tương lai) và nhiều quyển sách khác trong đó có quyển mà chúng ta nói về ngày hôm nay: Are prisons obsolete? (Nhà tù có lỗi thời rồi không?).

Cuốn sách này được xuất bản năm 2003 và là một quyển sách nhập môn cho những ai chưa biết gì về phong trào bãi bỏ nhà tù đọc vẫn hiểu bình thường. Cho nên nó được viết ngắn ngọn, xúc tích, dễ tiếp thu và nếu bạn có thể đọc tiếng Anh, mình cực kỳ hi vọng bạn sẽ đọc cả quyền này. Nếu các bạn có thể ủng hộ tác giả được thì mua sách gốc còn không thì mình để link pdf và link sách nói ở dưới phần mô tả.

Một điều cần chú ý là trong cuốn sách này, dĩ nhiên Angela Davis nói về nhà tù ở Mỹ, các đất nước khác chắc chắn sẽ có sự khác biệt, tuy nhiên bằng cách tìm hiểu về nhà tù của quốc gia với số lượng tù nhân lớn nhất thế giới, chúng ta có thể học được nhiều điều và có thể áp dụng với hệ thống nhà tù ở những nơi khác.

Thì cuốn sách này được chia thành 6 chương và mình sẽ trình bày theo thứ tự đó. Chương 1 có tên là: Giới thiệu – Cải cách nhà tù hay bãi bỏ nhà tù? Chương 2: Chế độ nô lệ, Dân quyền và Các quan điểm về nhà tù của phong trào bãi bỏ nhà tù. Chương 3: Cầm tù và Cải tạo? Chương 4: Giới tính kết cấu hệ thống nhà tù như thế nào? Chương 5: Tổ hợp công nghiệp nhà tù. Chương 6: Các giải pháp thay thế của phong trào bãi bỏ nhà tù. Mình sẽ chia ra làm 2 phần, tập này sẽ nói về chương 1 2 3 và tuần sau phần 2 sẽ nói về chương 4 5 6. Vậy ha. Ok chúng ta bắt đầu với chương 1: Giới thiệu – Cải cách nhà tù hay bãi bỏ nhà tù?

Chương 1: Introduction - Prison Reform or Prison Abolition? (Giới thiệu – Cải cách nhà tù hay bãi bỏ nhà tù?)

Davis mở đầu cuốn sách với việc hồi tưởng về những năm 60 khi bà là một nhà hoạt động xã hội vận động bãi bò nhà tù. Khi đó số tù nhân cả nước Mỹ là 200 nghìn người và bà không thể ngờ là chỉ trong 3 thập kỷ, con số đó nhân lên gấp 10. Vào thời điểm lúc viết quyền sách này con số đó là 2 triệu và hiện tại con số này là khoảng 2 triệu – 2 triệu 300 ngàn, tùy nguồn. Càng đáng lo ngại hơn khi ta thấy Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới nhưng chiếm 20% tù nhân của cả thế giới. Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao chuyện này có thể xảy ra?

Vào những năm 80, dưới thời Tổng thống Reagan (Đảng Cộng hòa), các chính trị gia bắt đầu có những chính sách “mạnh tay với tội phạm” – phạt tù lâu hơn, phạt tù với những tội nhỏ hơn, phạt tù nhiều lên,… Và họ nghĩ “mạnh tay với tội phạm” như vầy thì không ai dám phạm tội nữa và như vậy thì sẽ bảo đảm an ninh cho cộng đồng. Tuy nhiên những chính sách này không hề có hiệu quả và không hề đảm bảo an ninh cho cộng đồng mà chỉ tăng số tù nhân và số nhà tù lên. Và các bạn có thể tưởng tượng từ 200 nghìn lên 2 triệu tù nhân thì nhà tù ở Mỹ mọc lên như nấm. Với việc số nhà tù tăng lên, thì bắt đầu có sự tham gia và đầu tư ngày càng nhiều của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, thực phẩm và y tế. Xây dựng nhà tù bắt đầu thu hút những nguồn vốn rất lớn và từ đó cho ra đời cái mà người ta gọi là tổ hợp công nghiệp nhà tù. Cho những ai chưa biết, “tổ hợp công nghiệp” là mạng lưới các ngành công nghiệp tư nhân liên kết chặt chẽ với nhau trong các hệ thống, thiết chế chính trị xã hội (ví dụ như là nhà tù, quân đội, hôn nhân, hệ thống y tế,...) và từ đó cùng nhau tạo ra, thúc đẩy lợi nhuận kinh tế từ những hệ thống này, và như vậy tất cả các ngành công nghiệp tham gia vào đều có lợi. Nói đơn giản hơn, “tổ hợp công nghiệp” là khi các ngành công nghiệp liên kết lại với nhau, giúp nhau kiếm nhiều tiền nhất có thể từ các thiết chế chính trị xã hội mặc cho tác động tiêu cực lên xã hội.

Davis đưa ví dụ bang California: Mất hơn 100 năm kể từ khi nhà tù đầu tiên ở Cali được xây vào 1852 đến cuối thập niên 1970 thì Cali mới có 9 nhà tù vậy mà chỉ trong 1 thập niên 80, dưới thời Reagan, Cali xây thêm 9 nhà tù nữa. Và trong thập niên 90 thì xây thêm 12 nhà tù. Vào năm 2002, tổng số tù nhân ở Cali là khoảng 160 nghìn người trong đó 35,2% người Mỹ Latinh, 30% người Mỹ gốc Phi, 29.2% người da trắng. Trong đó, số tù nhân nữ ở Cali nhiều hơn tổng số tù nhân của cả nước Mỹ đầu nhưng năm 70.

Và với những số liệu này, Davis đặt câu hỏi: Tại sao chuyện này có thể xảy ra dễ dàng như vậy và với sự thản nhiên hay sự đồng tình của mọi người? Tại sao chúng ta nghĩ rằng bỏ tù thật nhiều người thì sẽ khiến cộng đồng của mình an toàn hơn? Tại sao chúng ta nghĩ nhà tù giúp đảm bảo an toàn cho chúng ta? Một sự thật phải thừa nhận là chúng ta không bao giờ suy nghĩ về nhà tù, nhà tù là một cái gì đó xa lạ đối với chúng ta, nhà tù là nơi dành cho những người xấu xa. Chúng ta coi như nhà tù là một sự thật hiển nhiên của cuộc sống và gần như ko thể tưởng tượng 1 xã hội ko có nhà tù nhưng mà đồng thời chúng ta không muốn suy nghĩ về nó.

Angela Davis nói: Về mặt hệ tư tưởng, nhà tù có chức năng như một địa điểm trừu tượng mà những thành phần bất hảo của xã hội bị tống vào, và từ đó, nhà tù loại bỏ cho chúng ta, cho xã hội cái trách nhiệm phải suy nghĩ về những vấn đề thật sự mà đang đè lên những cộng đồng mà tỉ lệ số người bị bỏ tù vượt quá mức bình thường.

Đây chính xác là chức năng tư tưởng của nhà tù và rõ ràng nó rất hiệu quả. Các bạn hãy thử nghĩ đi. Ai trong số chúng ta đã suy nghĩ về nhà tù, những gì xảy ra trong đó, nó tồn tại để làm gì, nó có thật sự giải quyết vấn đề không, những vấn đề đó là gì, nguyên nhân ở đâu, cách giải quyết như thế nào, vân vân? Hay là hầu hết chúng ta, trong hầu hết cuộc đời mình, chưa bao giờ suy nghĩ về những vấn đề đó? Và trong một vài dịp hiếm hoi khi ta nghĩ đến nhà tù, thì đó thường là khi có những vụ án “hot” trên các mặt báo, trên mạng xã hội. Và trong những lúc đó, chúng ta suy nghĩ cái gì? Ô trời ơi cái thằng này hiếp giết con này ghê quá. Phạt nhiêu đây năm là quá nhẹ phải tử hình mới được trời ơi. Rồi cuối cùng như thế nào, một vụ án trở thành một câu chuyện phiếm vô nghĩa để chúng ta buôn dưa lê với nhau cho qua thời gian. Và khi bản án - 10 hay 20 năm tù gì đó – đc đọc ra thì chúng ta auto coi như xong chuyện. Rất ít người trong chúng ta sẽ tiếp tục đặt câu hỏi là gốc rễ của tội phạm là gì (ví dụ như trong trường hợp này là, chế độ phụ quyền hay cái thứ văn hóa hiếp dâm mà hầu hết mọi người vẫn coi là hiển nhiên, vẫn ko chất vấn, vẫn ủng hộ - ngay từ trong môi trường giáo dục, vân vân). Rất ít người sẽ tiếp tục đặt câu hỏi: làm sao để hạn chế hiệu quả những việc tương tự xảy ra, hay phải làm gì để sửa chửa sai lầm của người phạm tội đối với nạn nhân và cộng đồng,…

Nhà tù trở thành điểm đích trong giải quyết vấn đề. Một khi tội phạm vào tù, mọi câu chuyện chấm dứt, vấn đề coi như đc giải quyết. Nhưng mà việc giam giữ một kẻ hiếp dâm thì liên quan gì tới chuyện xóa bỏ văn hóa hiếp dâm, tới chuyện đấu tranh chống bạo lực giới? Việc giam giữ kẻ hiếp dâm đó có bảo đảm an toàn cho phụ nữ hơn không, có giảm tỉ lệ bạo lực giới trong cộng đồng ko? Như vậy, theo Davis, nhà tù đã hoàn thành công việc về mặt tư tưởng của nó – tức là, che dấu vấn đề thật sự cần giải quyết và nói với chúng ta là bạn ko cần phải suy nghĩ gì nữa hết, vô tù là xong rồi. Ở trong ví dụ trên, chúng ta có thể thấy, nhà tù đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố công lý trừng phạt” (punitive justice, tức là công lý mà tập trung vào việc trừng phạt, việc “đền tội” của tội phạm) và đồng thời nhà tù khiến chúng ta quay lưng lại với “công lý phục hồi” (tức là công lý mà tập trung vào việc sửa chữa những tổn hại gây ra cho nạn nhân, cộng đồng và cả thủ phạm).

Vào thời điểm viết cuốn sách này, Davis có công nhận là ở Mỹ đã có những cuộc bàn luận về vấn đề nhà tù. Tuy nhiên, hầu hết lại tập trung vào hướng “cải cách nhà tù” hơn là “bãi bỏ nhà tù”. Tức là, những người này qua những nước Scandinavia, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển này nọ thấy nhà tù tiện nghi, nhân đạo, có tivi, đèn đuốc đẹp đẽ sạch sẽ này nọ và họ muốn làm sao cho ở Mỹ cũng như vậy, nâng cấp nhà tù cho tốt lên chứ ko nhắm đến 1 tương lai ko có nhà tù. Davis cho rằng cải cách nhà tù là quan trọng nhưng nếu chỉ tập trung vào cải cách nhà tù thì ko giải quyết đc vấn đề mà phải hướng đến bãi bỏ nhà tù.

Và ở thòi điểm hiện nay, những câu hỏi, thách thức dành cho phong trào bãi bỏ nhà tù là: làm sao để số tù nhân và số nhà tù ngừng tăng? Làm sao để mang nhiều tù nhân nhất có thể ra khỏi tù và trở về với cuộc sống tự do? Làm sao để dịch chuyển từ công lý trừng phạt đến công lý phục hồi? Và khó khăn nhất, là phải thử nghiệm, khám phá những hình thức công lý mới và sáng tạo mà vượt lên trên nhà tù.

Chương 2: Slavery, Civil Rights, and Abolitionist Perspectives Toward Prison (Chế độ nô lệ, Dân quyền và Các quan điểm về nhà tù của phong trào bãi bỏ nhà tù)

Davis mở đầu chương 2 với một chút lịch sử. Đã có một thời mà việc bãi bỏ chế độ nô lệ là một điều không tưởng, đc cho rằng quá lý tưởng, không thực tế, quá cực đoan. Cho đến khi xuất hiện phong trào bãi bỏ chế độ nô lệ và sau nhiều đấu tranh, bao gồm Nội chiến Hoa Kỳ thì chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ. Nhưng sau bãi bỏ nô lệ, thì vẫn còn 2 thiết chế khác là tư hình và phân chia chủng tộc.

Tư hình (lynching) là một sự trừng phạt ngoài vòng pháp luật bởi một nhóm không chính thức. Từ này thường được dùng để chỉ xử tử công khai không chính thức bởi một đám đông, thường bằng cách treo cổ, để trừng phạt một kẻ bị cáo buộc phạm tội, hoặc để đe dọa một nhóm thiểu số. Và ở Mỹ thì những người bị tư hình toàn là người da đen. Còn phân chia chủng tộc (racial segregation) là sự chia tách ngươi da trắng với người da màu. Ví dụ như là không được ở chung 1 khu phố, khu phố này là da trắng, khu phố kia là da đen chứ ko có trộn vô nhau đc, người da đen ko được kết hôn với người da trắng, ko được phép học chung trường với người da trắng, vân vân.

Thì ngay cả sau khi bãi nô rồi, người ta vẫn ko thể tưởng tượng được là có thể bãi bỏ tư hình và phân chia chủng tộc. Thời đó nguòi ta ko thể tưởng tượng đc việc người da trắng và da màu sống chung với nhau mà ko có phân chia. Cho đến khi xuất hiện phong trào bãi bỏ 2 thiết chế đó. Và nhờ đó mà ở thời chúng ta thì nghĩ về một xã hội ko có chế độ nô lệ, tư hình hay phân chia chủng tộc là chuyện rất bình thường.

Và ở đây chúng ta thấy có sự tương đồng với phong trào bãi bỏ nhà tù. Đã có thời ko ai tưởng tượng được xã hội mà ko có chế độ nô lệ, tư hình và phân chia chủng tộc; nhưng chúng ta đã bãi bỏ được các thiết chế đó, và nhà tù cũng như vậy. Có một mối quan hệ chặt chẽ giữa các phong trào này, đó là gì?

Davis nói: Nếu chúng ta tin rằng ko có chỗ cho Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong tương lai của chúng ta. Vậy nếu chúng ta chứng minh được là nhà tù là 1 thiết chế phân biệt chủng tộc – như chế độ nô lệ, tư hình và phân chia chủng tộc. Thì chúng ta nên suy nghĩ nhiêm túc về việc tuyên bố nhà tù lỗi thời và cần được bãi bỏ.

Điều này dẫn chúng ta đén 2 câu hỏi: Thứ 1, nhà tù có phải là 1 thiết chế phân biệt chủng tộc ko? Phải chứng minh được điều đó là đúng. Và thứ 2, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có ăn sâu vào nhà tù đến mức ko thể loại bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà không loại bỏ luôn nhà tù? Phải chứng minh được cả 2 điều này thì mới kết luận phải bải bõ nhà tù trên cơ sở phân biệt chủng tộc.

Davis mới nhìn lại lịch sử nhà tù ở Mỹ. Trước khi bãi bỏ chế độ nô lệ, thì nhà tù mở Mỹ không dành cho nô lệ da đen, tại vì họ đã là nô lệ rồi, bây giờ bỏ vô tù thì trừng phạt cái gì. Ví dụ như ở bang Alabama thì thời đó 99% tù nhân là người da trắng. Nhưng mà sau Nội Chiến 1865 và bãi bỏ chế độ nô lệ thì bắt đầu người ta bắt tù người da đen. Sau 1865, xuất hiện Bộ luật Da đen (Black Codes). Bộ luật này tội phạm hóa, bắt bỏ tù những người có các hành động như sống lang thang, không làm việc, không có việc làm, sở hữu vũ khí, có những hành động/cử chỉ mang tính xúc phạm,… nhưng, chỉ áp dụng với người da đen. Kết quả là nô lệ da đen vừa được tự do thì giờ bị bắt lại và gom bỏ vô tù. Và khi vô tù thì họ làm việc khổ sai và thường là làm những công việc y chang như khi còn là nô lệ như hồi trước. Nói cách khác, sau Nội chiến Hoa Kỳ 1865 thì chế độ nô lệ bị bãi bỏ trên giấy tờ. Tuy nhiên trong thực tế chế độ nô lệ vẫn tồn tại, chỉ là dưới hình thức nhà tù, đặc biệt là ở các bang miền Nam. Một số nghiên cứu còn chỉ ra là tình trạng của những tù nhân da đen khi đó thậm chí còn tệ hơn tình trạng của nô lệ. Tại vì với nô lệ, chủ nô phải mua họ, nô lệ chết nghĩa là tốn tiền; nhưng tù nhân thì hoàn toàn miễn phí. Như vậy, sự thay đổi, phát triển của hệ thống nhà tù sau Nội chiến, chính là sự tiếp tục của chế độ nô lệ, dưới hình thức nhà tù.

Davis nói về việc cũng thời gian này “racial profiling” ra đời. Tức là việc sử dụng yếu tố chủng tộc để nghi ngờ ai đó phạm tội. Cái thiên kiến là người da đen thì có khả năng làm việc xấu, làm những chuyện trái pháp luật hơn người da trắng sinh ra trong giai đoạn này. Khi mà người da đen vừa được tự do nhưng vì phân biệt chủng tộc và lịch sử bị bóc lột lâu dài, họ rơi vào cảnh túng thiếu và dễ có những hành động mà theo Bộ luật Da đen, họ có thể bị bắt bỏ tù. Việc người da đen bị bắt bỏ tù hàng loạt, làm thay đổi hình ảnh tù nhân. Hình ảnh tù nhân giờ đây là hình ảnh một người da đen. Nhiều khi họ còn bị bỏ tù vì bị người da trắng vu khống nữa. Điều tương tự sau này cũng với người gốc Mỹ Latinh, và với người đạo Islam hay là gốc Trung Đông, Nam Á nhất là sau 11/09/2001. Như vậy là từ cái thời này, da màu đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị nghi ngờ phạm tội nhiều hơn, bị xử nặng hơn người da trắng.

Chưa dừng lại ở đó, lao động của tù nhân bị bóc lột để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa của các bang miền Nam Hoa Kỳ. Hệ thống nhà tù Hoa Kỳ cho các nhà tư bản thuê lao động tù nhân, dĩ nhiên là với giá rẻ hơn rất nhiều so với người lao động bình thường. Và điều này rất có lợi cho các nhà tư bản. Vừa bị mất cơ hội bóc lột lao động nô lệ da đen sau Nội chiến thì bây giờ họ đã có nguồn lao động mới để bóc lột, chưa kể là giá rẻ nữa. Davis đưa ví dụ nhiều tuyến đường sắt, đường bộ đóng vai quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa là được xây bởi tù nhân da đen. Có thể nói, quá trình công nghiệp hóa các bang miền Nam thì có nền tảng là sự bóc lột lao động tù nhân. Và đến hiện nay, sự bóc lột này ngày càng nhiều và càng được tạo điều kiện phát triển hơn bởi sự tư hữu hóa nhà tù ở Mỹ là 1, và tổ hợp công nghiệp nhà tù là 2. Davis có đưa ra ví dụ nhiều sản phẩm ở Mỹ là được làm bởi tù nhân, và những sản phẩm này còn được xuất khẩu qua các nước khác nữa. Nên khả năng chúng ta có xài sản phẩm được làm bởi tù nhân nó cao hơn chúng ta tưởng á.

Ở Việt Nam thì thật sự mình ko tìm được nhiều thông tin nhưng theo mấy bài báo nhìn đọc được thì sau đây là 1 số những mặt hàng mà tù nhân ở VN làm: giấy vàng mã, mấy cái vật dụng mà đính hột xoàn nè, rồi lông mi giả, rồi may quần áo và túi, rồi làm đồn điền cao su. Cũng như những nước khác thì tù nhân ở VN cũng ko được trả tiền bằng người “tự do”, nhưng mà mình ko tìm được là cụ thể là bao nhiêu, nhưng mà Luật quy định là chỉ được hưởng 1 phần tiền lương của người bình thường thôi.

Tóm lại, trong chương 2, Angela Davis đã chứng minh 2 câu hỏi đặt ra ở trên. Không những hệ thống nhà tù ở Mỹ phân biệt chủng tộc trong chuyện racial profiling – mà ai cũng biết. Hệ thống nhà tù Mỹ ra đời nhằm tiếp nối chế độ nô lệ. Nói cách khác, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không những ăn sâu vào hệ thống nhà tù, mà nó chính là nền móng của hệ thống nhà tù ở Mỹ. Như một số người nói, nhà tù sau Nội chiến chính là chế độ nô lệ được tái sinh. Cũng như chế độ nô lệ, hệ thống nhà tù có quan hệ chặt chẽ với chủ nghĩa tư bản và sự bóc lột lao động của tù nhân (phần lớn là người da màu). Và mối quan hệ này càng ngày càng mạnh và Davis sẽ nói kỹ hơn về cái này sau. Như vậy, chúng ta có thể tuyên bố nhà tù lỗi thời trên cơ sở chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và đấu tranh để bãi bỏ nó.

Và chúng ta đến với chương 3.

Chương 3: Imprisonment and Reform (Cầm tù và Cải tạo/Cải cách?)

Davis mới thấy là hai chữ “cải cách” và “nhà tù” đã luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong lịch sử. Tại vì bản thân nhà tù là một sự cải cách. Trước khi có nhà tù, ở thời trung cổ ở châu Âu, những hình phạt tra tấn cho tội phạm rất là kinh khủng luôn, đã vậy rồi còn xử trước mặt cho mọi người xem nữa. Cho nên sau này những người cải cách họ đề nghị hình thức nhà tù vì theo họ sự cô lập trong tù nó nhân văn hơn và nó sẽ giúp người tội phạm hoàn lương. Hệ thống nhà tù này hình thành ở Mỹ và châu Âu và sau đó được các nước đế quốc thiết lập ở các nước thuộc địa.

Davis quan sát thấy sự lên ngôi của việc cầm tù như một hình phạt xảy ra đồng thời với sự lên ngôi của chủ nghĩa tư bản và cùng với nó một hệ tư tưởng mới của giai cấp tư sản. Rất quan trọng trong những tư tưởng mới đó là khái niệm quyền và tự do không thể xâm phạm được của cá nhân. Ví dụ như khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” từ Cách mạng Pháp hay câu “mọi người sinh ra đều bình đẳng” từ Cách mạng Mỹ. À, nói vậy thôi chứ thật ra vẫn là chừa phụ nữ với người da màu ra nha. Thì khi mà xã hội chấp nhận cái tư tưởng về sự bất khả xâm phạm của quyền tự do của cá nhân thì chuyện cầm tù một người như là một hình phạt mới có ý nghĩa, mới hợp lý. Tại nếu con người ko được nhìn nhận là sở hữu những quyền tự do bất khả xâm phạm thì việc xâm phạm quyền tự do của con người sẽ khó có thể coi là hình phạt thích đáng tại vì khi đó người bị phạt sẽ ko nhìn nhận bản thân mình đang bị tước đi những quyền tự do cơ bản nhất. Nhìn về quá khứ, ta thấy luận điểm này hợp lý. Trước thời gian này, hình phạt cho tội phạm là hình phạt thể xác, bị đánh tra tấn này nọ trước mặt mọi người, hoặc là bị trục xuất, lưu đày. Và nếu có bị cầm tù á thì nó ko phải là hình phạt như là trong nhà tù của chúng ta hiện nay. Mà nó kiểu như là, cầm tù tội phạm để chờ ngày xử án, tra tấn này nọ á. Nó tựa tựa như khái niệm tạm giam ở thời chúng ta. Chứ không có vụ, kiểu, ô thẳng này ăn trộm cho nên phạt ở tù 5 năm. À, và ngay cả cái khái niệm đong đếm tính toán hình phạt bằng thời gian này cũng xuất hiện đồng thời với chủ nghĩa tư bản ở châu Âu, khi mà giá trị của lao động, của hàng hóa, của mọi thứ được tính bằng thời gian. Đó cũng là một mối liên hệ giữa nhà tù và chủ nghĩa tư bản.

Angela Davis bắt đầu nói về 2 nhà cải cách mà có đóng góp quan trọng cho sự ra đời của hệ thống nhà tù. Đó là John Howard và Jeremy Bentham. John Howard có cách tiếp cận mang hơi hướng tôn giáo. Ông cho rằng cầm tù tội phạm thì sẽ cho họ có thời gian suy ngẫm và thay đổi bản thân. Bentham thì nghĩ ra một cái mô hình nhà tù gọi là Panopticon. Ông cho rằng tội phạm chỉ khi được giám sát mọi lúc thì mới bắt đầu xây dựng thói quen làm việc productive được. Từ khóa quan trọng ở đây là sự giám sát. Thì cái mô hình nhà tù Panopticon này á, nếu thích bạn search thử lên google để xem hình hay video ha. Đại loại là nó đc thiết kế một cách rất đặc biệt sao cho tù nhân không thể nhìn thấy nhau và cũng không thể thấy người quản tù, nhưng người quản tù có thể thấy tất cả tù nhân từ chỗ đứng. Và vì vậy, người tù nhân luôn có cảm giác là mình có thể đang bị giám sát bất cứ lúc nào. Và vì họ ko nhìn thấy được quản tù nên họ phải làm việc như thể mình bị giám sát mọi lúc.

Thì tư tưởng của 2 ông này có ảnh hưởng rất lớn lên sự ra đời của các nhà tù đầu tiên. Tới đầu thế kỷ 19 thì chúng ta có 2 hệ thống nhà tù. Hệ thống đầu tiên tên là Pennsylvania. Hệ thống nhà tù này thì sẽ như thế nào? Tù nhân sẽ ở trong phòng giam riêng một mình, rất im lăng và tách biệt hoàn toàn với người khác, rồi trong phòng giam thì tù nhân sẽ ăn, uống, đọc kinh Thánh, cầu nguyện rồi suy ngẫm và sám hối. Hệ thống thứ 2 tên là Auburn thì cũng có phòng giam riêng nhưng mà có thêm lao động tập thể. Và các bạn đoán xem hệ thống nào trở thành hệ thống nhà tù áp dụng rộng rãi? Đúng rồi, hệ thống Auburn, tại vì ít ra nó có cái vụ bắt tù nhân lao động thì, kiểu, productive hơn là ngồi trong phòng 24/24.

Tuy nhiên ngay từ những ngày đầu của hệ thống nhà tù, người ta đã chỉ trích nó. Một trong số đó là Charles Dickens. Ông ấy đi tham quan nhà tù và thấy rằng: đúng là ban đầu ổng cũng nghĩ cái phương pháp cầm tù này văn minh và chắc sẽ hiệu quả. Nhưng mà khi chứng kiến tận mắt nhà tù thì ổng thấy kinh khủng quá. Ổng cho rằng việc cầm tù một con người trong cô độc và trong thời gian lâu như vậy là một hình phạt tra tấn khủng khiếp lên tâm thần của con người và thậm chí là tệ hơn những phạt về thể xác. Dickens cho rằng những người bị hình phạt này xong thì chỉ có bị bệnh hoạn thêm thôi. Và ông ấy không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Nhiều người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của nhà tù.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, hệ thống nhà tù ngày càng phát triển. Ở thời điểm Angela Davis viết cuốn này thì ở Mỹ có khoảng 60 nhà tù supermax (super-maximum security prison, tạm dịch là nhà tù an ninh tối đa). Ở những nhà tù này tù nhân bị giam cô lập trong buồng đến 23 tiếng 1 ngày. Tù nhân ko nhìn thấy nhau và cũng ko nói chuyện hay giao tiếp gì với nhau được. Và các nhà tù này có hệ thống công nghệ giám sát rất tinh vi.

Cái Davis mới nói là: Tôi nói với các bạn về nhà tù supermax và cho các bạn thấy sự giống nhau của nó với những nhà tù đầu tiên để làm gì? Để cho thấy là một phát minh mà 200 năm trước được xem là hiện đại, tiến bộ, nhân đạo thì bây giờ lại được xem là thụt lùi và vô nhân đạo. Không có ai, kể cả những người ủng hộ nhà tù supermax, có thể nói là giam tù nhân như vậy sẽ giúp họ tự chữa lành, hồi phục, giúp họ thay đổi bản thân cả.

Đến đoạn này Davis nói qua văn học và vai trò của văn học trong sự phát triển của nhà tù và phong trào bãi bỏ nhà tù. Hầu hết các phân tích và ví dụ là lấy từ cuốn Imagining the Penitentiary của John Bender xuất bản năm 1987. Luận điểm của Bender là thể loại văn học tiểu thuyết đã thúc đẩy một diễn ngôn về tiến bộ và sự biến đổi cá nhân. Và diễn ngôn ấy đã thúc đẩy những thái độ và quan điểm về việc trừng phạt để thay đổi con người. Bender gợi ý là, những thái độ này đã báo hiệu sự ra đời của khái niệm và sự xây dựng các nhà tù cải tạo như một sự cải cách để phù hợp cho con người vào nửa sau của thế kỷ 18.

Ê này nói thiệt nha, mình thấy đoạn này hơi hơi lạc đề một xíu nhưng mà nó dài quá mình không thể nào không nói được. Thì những tiểu thuyết như Robinson Crusoe, xuất bản 1719 hình thành trong công chúng quan niệm là sự cô độc sẽ chuyển hóa một con người. Và từ đó, những tiểu thuyết này phổ biến những thông điệp, ý tưởng mà sau này những người cải cách nhà tù thế kỷ 18 sẽ lấy lại và áp dụng vào nhà tù.

Văn học thế kỷ 18 cũng mang những giá trị của Thời kỳ Khai sáng về trật tự, sự sạch sẽ, ý thức bản thân, thói quen làm việc cân bằng,… và những người cải cách nhà tù thế kỷ 18 cũng học theo những giá trị Khai sáng đó và áp dụng vào nhà tù. Từ đó chúng ta có những nhà tù cải tạo mới, sạch sẽ hơn, nề nếp hơn, trật tự hơn,…

Và sau thời gian này thì văn học vẫn tiếp tục có ảnh hưởng mạnh lên nhà tù. Đầu thế kỷ 20 ở Mỹ, các hồi ký trong tù của những người từng bị đi tù xuất hiện đồng thời với sự nổ ra của các phong trào bãi bỏ nhà tù. Trong tập niên 1970 thì nhiều sách, văn bản viết bởi tù nhân được xuất bản. Nhưng đến 1994 thì Mỹ ban hành “Đạo luật kiểm soát tội phạm bạo lực và thực thi pháp luật năm 1994” (Đạo luật tội phạm 1994). Thì đạo luật này là một đạo luật dựa theo tư tưởng “mạnh tay với tội phạm”. Và nó đã hạn chế và dẹp bỏ nhiều chương trình giáo dục cho tù nhân. Davis mới nói là không phải tự nhiên mà khi văn học tù nhân phát triển, khi tù nhân cầm bút lên viết thì đâu ra xuất hiện đạo luật để ngăn chặn giáo dục cho tù nhân. Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên mà là một nỗ lực đàn áp tù nhân.

Một câu chuyện ví dụ điển hình là: trước đạo luật tội phạm 1994, nhờ hoạt động của các nhóm hoạt động xã hội về nhà tù, trong những năm 60-70, điều kiện trong nhà tù được nâng cấp và nhất là giáo dục. Tù nhân nhận ra từ rất sớm là họ cần giáo dục để giải quyết những vấn đề của bản thân, vấn đề nhà tù và những vấn đề của cộng đồng của họ. Với sự đấu tranh của tù nhân để được giáo dục, vào năm 1973, trường Marist College ở New York gần nhà tù Greenhaven, bắt đầu mở lớp học bậc đại học trong nhà tù Greenhaven cho tù nhân. Họ có chương trình đào tạo cử nhân 4 năm. Chương trình này kéo dài 22 năm và rất thành công. Một số tù nhân lấy bằng cử nhân ở trong tù và khi họ ra tù, họ học lên Thạc sĩ, tiến sĩ và trở thành những người có ích, tận tâm với cộng đồng. Đó là cho đến năm 1994, chính phủ Mỹ ban hành Đạo luật tội phạm 1994 và cắt ngân sách giáo dục cho tù nhân. Và chương trình đào tạo cử nhân của trường Marist College ở nhà tù Greenhaven sau 22 năm hoạt động bị chấm dứt. Vào ngày 15 tháng 7 năm 1995, diễn ra lễ Tốt nghiệp cuối cùng ở nhà tù Greenhaven, các bạn có thể xem thêm trong Phim tài liệu mang tên: The Last Graduation, Lễ tốt nghiệp cuối cùng.

Hết chương 3. Thì chương này mở đầu bằng việc suy nghĩ xem liệu nhà tù có thật sự cải tạo con người không? Chúng ta có thể thấy từ những ngày đầu nó đã không thành công. Liệu việc nhốt 1 con người trong cô lập có liên quan gì tới chuyện cải tạo họ không? Hay như Dickens nghĩ, nó chỉ khiến con người thêm đau khổ và bệnh hoạn? Theo một nghiên cứu ở thời điểm Davis viết cuốn này thì số lượng người có bệnh tâm thần ở trong nhà tù có thể nhiều đến gấp đôi số bệnh nhân tâm thần trong tất cả bệnh viện tâm thần ở Mỹ cộng lại. Và nói về cải tạo con người, không thể không nói về giáo dục. Với dụ là Đạo luật Tội phạm 1994, Davis cho ta thấy nhà tù không hề quan tâm đến chuyện cải tạo tù nhân hay tạo cơ hội cho họ phát triển. Tại vì nếu nhà từ thật sự có mục tiêu cải tạo tù nhân thì tại sao lại có nhà tù supermax, tại sao cắt ngân sách giáo dục, tại sao làm tất cả những chuyện này, đúng không?

Điều thứ 2 mà trong chương này chứng minh. Đó là nhà tù là một thiết chế được cấu trúc bởi thời đại của nó. Ở nửa đoạn đầu chương này, Davis cho chúng ta thấy nhà tù được cấu trúc bởi chủ nghĩa tư bản, sự ra đời của các khái niệm, giá trị của giai cấp tư sản, bởi tôn giáo (nhất là theo mô hình của ông John Howard), vân vân. Và câu hỏi là, liệu một phát minh gắn chặt với điều kiện lịch sử kinh tế chính trị của thế kỷ 18-19 có còn phù hợp với thế kỷ 21 không?

Mình sẽ dừng ở đây, là trong phần 2 chúng ta sẽ nói về chương 4 5 6 và tìm hiểu 2 luận điểm còn lại của Davis cũng như giải pháp mà phong trào bãi bỏ nhà tù đề nghị là gì. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe. Bye.

Comments