Những bạn trai thẳng sợ bị cho là gay: Nam giới cần nữ quyền

“Nỗi sợ đồng tính (homophobia) là lí do tại sao chúng ta sợ rằng nếu cho phép con trai bộc lộ cảm xúc, họ sẽ trở thành đồng tính […] Mỗi ngày, những bé trai nào thể hiện cảm xúc cũng đều bị ba mẹ khủng bố tâm lý (và thậm chí bị đánh đập tàn bạo trong một số trường hợp cực đoan) vì sợ rằng một người con trai biết nâng niu, trân trọng cảm xúc của mình thì chắc hẳn phải là một người đồng tính” – bell hooks, The Will to Change: Men, Masculinity and Love (tr. 45 & 46)


Cách đây mấy tháng, mình có đăng story trên instagram hỏi có bạn nam dị tính hợp giới nào sợ hoặc đã từng sợ bị gọi là gay hay bị cho là gay hoặc sợ 1 hành động nào đó của mình có thể bị xem là gay chưa? Mình có nhận được lời chia sẻ của 1 người bạn cũ - B.

B kể mình hồi nhỏ thích chơi búp bê và múa nên hay bị gọi là gay, mặc dù cũng không phải lúc nào cũng bị. Ngay cả bạn gái của B, thời gian đầu quen nhau cũng nói là thấy bạn ấy “hơi gay”, B cho rằng có lẽ do mình hơi hiền so với phần lớn các bạn nam dị tính. Điều này làm mình hơi ngạc nhiên, bởi trong suốt thời gian quen biết với B, mình – một đứa queer – thật sự không thể chỉ ra một thói quen, hành vi,… nào của B – từ thời trang, giọng nói, sở thích – mà có thể xem là giống với mẫu rập khuôn (stereotype) của các bạn nam đồng tính cả.

 

Chúng ta phải thừa nhận một điều là văn hóa gay (gay culture) tồn tại, với nguồn gốc là những hành vi, cử chỉ, tín hiệu để giúp những thành viên của cộng đồng nhận ra nhau trong một xã hội thiên vị dị tính và kỳ thị đồng tính (homophobic) nơi mà việc là một người đồng tính nam công khai có thể rất nguy hiểm về thể xác và tinh thần. Và vì văn hóa gay (và rộng hơn nữa là văn hóa queer) tồn tại và những người tham gia vào văn hóa ấy tồn tại, chúng ta có thể nói, một cách khách quan, rằng có một số “tín hiệu” có thể cho ta biết, một cách tương đối tốt, rằng một người có phải gay, les, song tính, chuyển giới,… hay không. Ví dụ: kiểu tóc mullet; một người nhuộm tóc highlight 3 màu xanh dương đậm, tím, hồng đậm; “accent gay”, sử dụng thuật ngữ của cộng đồng LGBTQIA+, gu âm nhạc, tiếng lóng queer, những câu đùa inside joke của từng cộng đồng queer khác nhau,… Văn hóa queer thật sự rất đa dạng và đầy sắc thái và vì vậy một người không tiếp xúc, tham gia với văn hóa này sẽ không thể hiểu và thành thạo nhận ra các “tín hiệu”, hint của những người trong cộng đồng queer.

Vì ngày càng gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người trong cộng đồng LGBTQIA+ hơn, những cá nhân dị tính hợp giới cũng nhận thức được sự tồn tại của văn hóa này và những “tín hiệu” queer. Tuy vậy, phải nói thật là nhìn chung họ rất dở trong lĩnh vực này, ngay cả đối với văn hóa đồng tính nam (hợp giới) – cộng đồng mà nói đến LGBT là người ta nghĩ ngay đến. Chuyện này dẫn đến việc họ quy chụp đủ thứ loại hành động, cử chỉ,… và cho là đó là “tín hiệu” của 1 người con trai đồng tính – trong khi một bạn queer thì có thể nhìn vào đó và chẳng thấy gì “gay” cả.

Đây chính là chuyện xảy ra với B khi bị bạn gái (và có thể là vài người khác nữa) kêu là “hơi gay”. Trong tình huống này, chúng ta có thể nói, bạn gái của B ý thức được sự tồn tại của một thứ “gay code”, tuy nhiên vì không nắm bắt được thứ code ấy (do không phải là 1 người trong cộng đồng gay và chỉ tiếp xúc một cách bề mặt với cộng đồng này) nên đã hiểu sai (misinterpret) sự “hiền” của B là tín hiệu cho biết B là người đồng tính.

Nhưng ở đây, chúng ta phải nhìn rộng hơn về hiện tượng này, vì đây không thể đơn thuần là sự hiểu sai được. Nếu chỉ đơn thuần là hiểu sai thì tại sao tính cách “hiền” của B lại bị hiểu sai là “B gay” mà không phải “B là người chuyển giới”, hay “B là người vô tính (asexual)”? Tại sao tính cách “hiền” của B bị hiểu sai mà không phải là 1000 tính cách, hành vi, cử chỉ,… khác của B (ví dụ như, chưa từng bộc lộ hứng thú với nam giới)? Và hơn hết, tại sao tính cách “hiền” của bạn nam B lại bị hiểu sai thành một dấu hiệu cho biết xu hướng tính dục mà không phải một lĩnh vực nào khác như (ví dụ như, môi trường gia đình của B)? Như vậy, chúng ta có thể thấy, hiện tượng này không thể được giải thích đơn thuần là vì bạn gái B không nắm rõ “gay code” nên hiểu sai. Vẫn còn có cái gì đó nữa… vấn đề này có vẻ như phức tạp hơn nữa…

 

Bìa "The Will To Change" của bell hooks

Nếu bạn đã đọc dòng trích dẫn đầu bài, có lẽ bạn đã đoán được hướng đi của mình *nháy mắt*. Trong trích dẫn từ cuốn The Will to Change ở trên, bell hooks – nhà hoạt động xã hội người Mỹ và tác giả nhiều cuốn sách về nữ quyền, chủng tộc và giai cấp – đã cho người đọc nhận ra 1 điều: khái niệm “thẳng/dị tính” dường như rộng hơn định nghĩa về xu hướng tính dục rất nhiều, thậm chí bao hàm cả việc thể hiện cảm xúc (trong trường hợp của nam giới). Hơn nữa, với tư cách là một căn cước (identity), “thẳng/dị tính” được xây dựng trên sự đối lập với “đồng tính” (và rộng hơn nữa là tất cả những gì queer).

Lấy lại ví dụ của tác giả: nếu một bạn nam thể hiện cảm xúc một cách dễ tổn thương (vulnerable) ví dụ như khóc hay nói “mày làm tao cảm thấy tổn thương” trước mặt đám bạn thì khả năng cao là bạn nam ấy sẽ bị đánh giá, gọi, giễu cợt là gay mặc dù bạn ấy thẳng. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói, bạn nam ấy đã thất bại trong việc “làm trai thẳng”. Hay thậm chí có thể nói là bạn ấy đã thất bại trong việc “làm con trai” bởi xã hội ta đánh đồng “làm con trai” với “làm con trai thẳng” – điều này có thể được minh họa bằng chuyện các bạn nam đồng tính, song tính được xem là không “con trai/đàn ông” bằng các bạn trai thẳng.

Không chỉ dừng lại ở về việc thể hiện cảm xúc, có rất nhiều cái không hề liên quan đến xu hướng tính dục của một người con trai mà bị xem là gayyyyy: là fan hâm mộ của Taylor Swift (Swiftie), trau chuốt vẻ ngoài, sơn móng tay, thủ dâm tuyến tiền liệt, được pegged bởi một người phụ nữ,… Đặc biệt ở ví dụ cuối, chúng ta có quan hệ tình dục giữa 1 người đàn ông và 1 người phụ nữ và một cách thần kỳ nào đó, cái này được cho là gayyyyy. Lý do là vì, cũng giống như tính cách “hiền” của B, các hành vi trên được thực hành phần lớn là bởi phụ nữ, hoặc bởi con trai đồng tính/queer – cả hai đều được xem là “không con trai/không nam tính”.

Như vậy, sự “thẳng/dị tính” không chỉ là một xu hướng tính dục hay thực hành tình dục (sexual practice) mà bao gồm cả một chuỗi hành vi nhất định được biểu diễn để xây dựng và duy trì căn cước không-queer (non-queer identity) của một cá thể và từ đó xác lập địa vị của cá thể đó là “thẳng/dị tính”.

Tức là: Chúng ta có thể thấy rằng trong trường hợp của nam giới, “làm trai thẳng” giống như 1 cuộc chơi mà trong đó con trai phải biểu diễn “sự thẳng”, nói cách khác là “sự không cong” của mình và nếu một bạn nam không thể hiện, biểu diễn sự nam tính đúng cách thì sẽ bị phạt, bị tước đi giá trị với tư cách là một người con trai/đàn ông, bị cho ra rìa (marginalized). Ngược lại, nếu biểu diễn đúng thì sẽ được hưởng full đặc quyền nam giới trong xã hội (ví dụ, được miễn những khó khăn mà phụ nữ và cộng đồng LGBTQIA+ phải đối diện và nhiều hơn thế nữa). 

Quay lại trường hợp của B, vì không biểu diễn đúng khuôn khổ "trai thẳng" hay nói cách khác là không thể hiện bản thân đủ nam tính, B bị tước đi giá trị của một người con trai, B bị phạt và cho ra rìa bằng cách bị gọi là "gay" - dù bản thân chữ "gay" hay xu hướng tính dục đồng tính không có gì đáng nhục nhã nhưng xã hội phụ quyền và homophobic của chúng ta cho rằng con trai đồng tính là điều đáng xấu hổ cho nên bị gọi là "gay" khiến B cảm thấy nhục nhã vì bản thân mình. Khi bạn gái B và những người khác gọi B là gay, họ thật ra không có ý nói B đúng theo nghĩa đen là một người con trai bị thu hút (attracted) bởi con trai. Cái họ đang làm là, áp đặt một khuôn mẫu nam giới độc hại lên B và nói cho B hiểu là bạn ấy không đủ "thẳng", không đủ nam tính và vì thế nên cảm thấy xâu hổ về bản thân. Bằng cách này, B và các bạn nam dị tính nói chung trải nghiệm 1 phần nhỏ sự kỳ thị mà các bạn nam đồng tính phải đối mặt. Tất cả con trai trong xã hội đều ý thức (ít nhất một phần) việc là một người đồng tính nam trong xã hội này đáng sợ và nguy hiểm đến mức nào. Họ nhìn cách các bạn gay (và các bạn nam không "đủ thẳng") bị đối xử và họ kinh hãi và sẽ làm mọi thứ để không bị đối xử như vậy. Điều này dẫn đến việc họ tạo khoảng cách xa nhất có thể giữa họ với những bạn nam đồng tính/queer bao gồm cả việc chủ động tránh né tìm hiểu về LGBTQIA+ và nữ quyền bởi vì... một người con trai học hỏi về cộng đồng queer và là một feminist thì chắc hẳn phải là người đồng tính, chắc hẳn không phải là trai thẳng.

Taylor's Version

Trong The Will To Change, bell hooks cho rằng trong xã hội phụ quyền của chúng ta, người đầu tiên mà nam giới làm tổn thương trong đời không bao giờ là một phụ nữ mà là chính bản thân họ. Chế độ phụ quyền (patriarchy) bắt nam giới phải chối bỏ, khinh thường, thậm chí giết chết phần cảm xúc trong con người họ (tr.66). Chúng ta tuyên truyền rằng dạy trẻ em ghét bản thân mình là cách tốt nhất để biến chúng thành những người lớn với những vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Vậy mà mỗi ngày chúng ta dạy con trai phải khinh thường, ghét bỏ một phần con người của mình, cái phần mà nếu được thể hiện ra thì sẽ bị xem là “gay”, là “không ra con trai”, là “như mấy đứa con gái”, là “nữ tính”. Đây là cách chế độ phụ quyền dạy nam giới (và mọi người khác nữa) rằng nữ tính hạ đẳng so với nam tính (và rộng hơn, phụ nữ hạ đẳng so với đàn ông). Nếu bạn dạy một đứa bé trai khinh thường những gì “nữ tính” trong nó, nó sẽ lớn lên dần dần khinh thường những gì “nữ tính” xung quanh nó và như thế, bạn sẽ tạo ra một xã hội phụ quyền trọng nam khinh nữ nơi có sự thống trị của nam giới lên nữ giới.

Tuy hưởng được rất nhiều đặc quyền từ địa vị "trai thẳng", để duy trì địa vị “trai thẳng”, bạn phải làm nhiều thứ và nhưng đặc biệt là bạn không được phép làm những thứ vượt ngoài cái khuôn “trai thẳng” – và những thứ ấy là hơi bị nhiều. Việc phải giới hạn bản thân mình trong một khuôn mẫu chật hẹp, khắt khe như vậy gây rất nhiều tác hại cho nam giới. Nhiều bạn nam (bất kể xu hướng tính dục) đang và đã phải trải nghiệm sự xấu hổ và nhục nhã về bản thân mình khi không đáp ứng đúng yêu cầu của khuôn mẫu “trai thẳng”, “nam tính”. B chia sẻ thậm chí muốn chữ “gay” biến mất đi cũng bởi vì đã từng bị làm nhục (shamed) bằng chữ “gay” ấy. Sự xấu hổ này, nếu không được xử lý một cách lành mạnh, có thể gây hại không chỉ đến các bạn nam dị tính mà đặc biệt là các bạn nam queer và phụ nữ xung quanh họ.


JASON CONNOLLY/AFP via Getty Images

Tất cả những tác hại, đau đớn, bạo lực này sẽ không xảy ra nếu chúng ta xóa bỏ chế độ phụ quyền và xây dựng một xã hội bình đẳng giới. Trong một xã hội bình đẳng giới, giá trị của nam giới sẽ không còn phụ thuộc vào việc con trai thể hiện sự nam tính, sự “trai thẳng” của mình như thế nào nữa bởi vì nữ tính và những gì gắn với nữ tính sẽ không còn bị xem như thấp kém hơn nam tính. Phong trào xã hội nhắm đến mục tiêu đó chính là nữ quyền.

Ngày nay, nam giới đặc biệt cần nữ quyền hơn bao giờ hết, để giải phóng họ và mọi người khỏi tư tưởng phụ quyền gò bó, áp bức. Nam giới cần nhận ra và cần biết rằng những bạo lực, đau đớn (như ở trên) là sản phẩm tất yếu của chế độ phụ quyền và để giải quyết những vấn đề ấy, nam giới cần phải cùng tham gia với phụ nữ vào phong trào nữ quyền. Tư tưởng nữ quyền có thể thay đổi cuộc sống của nhiều người, bất kể giới tính, bởi nó cung cấp cho ta một cái nhìn về những mối quan hệ dựa trên sự tương hỗ và không có sự thống trị. 

Khắp nơi trên thế giới, nam giới đang dần nhận thức được sự đau khổ và tác hại to lớn của chế độ phụ quyền đè lên họ và vì vậy đứng lên cùng phụ nữ dưới lá cờ của nữ quyền. Nam giới bắt đầu phá tan sự im lặng bằng cách chia sẻ trải nghiệm của mình và cũng từ đó sinh ra phong trào Giải phóng Nam giới (Men's Liberation - không nên nhầm lẫn với Men's Rights Activism, một phong trào phản động, phản nữ quyền). Số lượng nam giới trong phong trào nữ quyền ngày càng tăng lên cho thấy họ hiểu tương lai tất cả chúng ta muốn hướng đến là một tương lai bình đẳng.

Tuy số lượng fêminít nam ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn và hầu hết là các bạn nam thuộc cộng đồng LGBTQIA+, việc “chiêu mộ” các bạn nam dị tính vào phong trào hay nói đúng hơn là việc các bạn ấy tham gia vào phong trào nữ quyền, trở thành những người fêminít là chuyện tất yếu. Để thúc đẩy quá trình ấy, việc nói về vấn đề của nam giới đại chúng là việc cần thiết: một phong trào của mọi người, do mọi người và vì mọi người thì phải có sự tham gia tích cực của 50% dân số còn lại. Nhưng nếu phụ nữ fêminít có thể giúp nam giới mở đầu con đường đến với sự giải phóng về giới của mình, thì chỉ có nam giới fêminít mới có thể làm việc với nhau để thay đổi cộng đồng của mình. Mình hi vọng trong tương lai gần, sẽ có những không gian, platform nữ quyền của nam giới xuất hiện nơi họ có thể chia sẻ, chữa lành, giúp đỡ nhau cũng như song hành với phụ nữ và cộng đồng LGBTQIA+ để mang lại những thay đổi và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Comments

Popular Posts