Critique: Nỗi lo âu về địa vị - Alain de Botton

Hứng thú với vấn đề giai cấp xã hội và tò mò về ngòi bút của Alain de Botton - người mà mình và nhiều người đã khá quen thuộc qua các video trên kênh The School of Life - mình quyết định đọc "Nỗi lo âu về địa vị" (Status Anxiety) qua bản dịch của Trần Quốc Tân, NXB Nhã Nam. Trong bài phê bình này, mình viết về trải nghiệm bản thân khi đọc, đánh giá nội dung sách, cách viết, bản dịch và cuối cùng là gợi ý (recommendation).


1. Vấn đề của mình với nội dung sách

Để bắt đầu, mình trích văn bản trên bìa sau của sách: "Trong đời sống hẳn ai cũng từng có nỗi lo lắng về địa vị, có thể là nỗi tự ti ngấm ngầm hay cảm giác thua thiệt; có thể là sự ghen tị hay mỗi lo bị thiên hạ coi như 1 kẻ thất bại. [...] Để truy tìm căn nguyên, de Botton sử dụng lập luận dựa trên bốn địa hạt chính là Triết học, Tôn giáo, Chính trị và Nghệ thuật, nhưng không vì thế mà "Nỗi lo âu về địa vị" sa vào kinh viện. Có thể không phải là một chuyên luận chuẩn mực và thấu đáo về triết học hay xã hội học làm vừa lòng các bậc thức giả đạo mạo, nhưng cuốn sách vẫn có thẻ khiến độc giả choáng ngợp với lượng kiến thức đồ sộ được chuyển tải bằng văn phong lúc trang nhã cổ kính lúc thời thượng khôi hài."

"Nỗi lo âu về địa vị" được chia làm hai phần: Nguyên Nhân và Giải Pháp. Với phần 1, tác giả xác định 5 nguyên nhân của nỗi lo âu về địa vị, bao gồm: Không tình yêu (Lovelessness), Sự kỳ vọng (Expectation), Nền tinh anh trị (Meritocracy), Thói hợm hĩnh (Snobbery), Sự phụ thuộc (Dependence). Ở phần 2, tác giả đề nghị 5 giải pháp cho nỗi lo âu về địa vị và gợi ý người đọc làm theo để giải thoát bản thân khỏi nỗi lo âu ấy và sống tốt hơn, bao gồm: Triết học, Nghệ thuật, Chính trị, Tôn giáo, Bohemian. Với phần 2 dài gấp đôi phần 1, người đọc có thể mong đợi 1 sự tập trung có chủ đích của tác giả vào các giải pháp. Nhưng đáng tiếc thay, ngược lại với những gì mình được hứa hẹn, mình sớm thất vọng với tác giả và cách ông tiếp cận vấn đề “nỗi lo âu địa vị”, đặc biệt qua 3 điểm sau:

1.1. Định nghĩa “nỗi lo âu về địa vị” của tác giả rất mơ hồ.

Nếu bố cục quyển sách có vẻ đẹp và cân xứng trên trang mục lục, mình đã hơi bất ngờ việc thiếu một phần thứ 3 - miêu tả và định nghĩa cái mà tác giả gọi là "nỗi lo âu về địa vị". Đây chính là vấn đề lớn của mình đối với quyển sách vì chỉ khi ta xác định được cách "nỗi lo âu về địa vị" này thể hiện trong xã hội, quan sát và miêu tả nó thì ta mới có thể rút ra được nguyên nhân cho hiện tượng ấy và từ đó đi đến các hướng giải quyết.

Thay vào đó, "nỗi lo âu về địa vị" - bản thân là một thuật ngữ mơ hồ - chỉ được tác giả giải thích 1 lần ở phần "Các định nghĩa" trong khoảng 1 trang với 5 gạch đầu dòng mà chỉ 1 trong số đó là có thể được xem như định nghĩa: "Một mối lo nghĩ, tai hại đến độ có thể hủy hoại cuộc sống của ta trong những khoảng thời gian dài, về việc chúng ta không tương hợp với những lý tưởng về thành công mà xã hội đặt ra và vì thế ta có thể bị tước đi phẩm giá và sự tôn trọng; một mối lo lằng chúng ta đang ở một nấc thang quá khiêm tốn và sắp sửa bị rớt xuống nấc thấp hơn."

Và ngay cả khi ta chấp nhận định nghĩa này, nó không phù hợp với mọi trường hợp "nỗi lo âu về địa vị" trong xuyên suốt quyển sách. De Botton có vẻ sử dụng thuật ngữ "status anxiety" cho rất nhiều cảm xúc khác nhau: sự tự ti, cảm thấy mình thấp kém hơn ai đó vì địa vị/giai cấp của mình, cảm giác ghen tị với ai đó vì địa vị hoặc sự giàu có của họ, sự lo lắng sẽ bị mất việc của người lao động (mình tự hỏi có bao nhiêu người lao động hằng ngày thật sự lo lắng mất việc như De Botton miêu tả), vân vân. Sự không chính xác trong định nghĩa này là vấn đề đầu tiên với lập luận của tác giả.

1.2. Cách tiếp cận vấn đề.

De Botton lặp lại một lỗi trong các video The School of Life của mình là quy mọi vấn đề xã hội thành vấn đề tâm lý, chưa kể là rất thường xuyên không dựa vào nghiên cứu khoa học. Việc giai cấp/địa vị của một người quyết định giá trị của người ấy trong xã hội là sản phẩm của bạo lực do giai cấp thống trị áp đặt lên chúng ta, nhằm củng cố và chính đáng hóa (legitimize) sự thống trị của họ. Vấn đề này đã được bàn luận bởi nhiều ngành, nhiều tác giả (nhất là các tác giả Marxist) từ rất lâu, việc tác giả tránh né góc nhìn hệ thống là hoàn toàn chủ ý (nên nhớ, tác giả là triết gia, học tập ở các trường đại học danh tiếng ở Anh).

Chúng ta không thể giải quyết một vấn đề xã hội mang tính hệ thống bằng cách tiếp cận cá nhân và mang tính chất chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism). Trong 5 nguyên nhân cho “nỗi lo âu về địa vị” mà tác giả đưa ra (Không tình yêu, sự kỳ vọng, meritocracy, thói hợm hĩnh, sự phụ thuộc) chỉ có 1 nguyên nhân mang tính hệ thống và ngay cả trong chương bàn về chế độ nhân tài (meritocracy), cách tiếp cận của tác giả cũng vẫn mang hơi hướng cá nhân (individualistic) và không đi sâu vào gốc rễ của vấn đề giai cấp trong xã hội tư bản.

1.3. Giải pháp mang tính cá nhân, thiếu tính hệ thống

Không những không nêu rõ nguồn gốc mang tính hệ thống của “nỗi lo âu về địa vị”, hướng giải quyết vấn đề mà tác giả đưa ra rất mang tính cá nhân: khuyên độc giả đọc triết học (chủ nghĩa khắc kỷ), thưởng thức nghệ thuật (nhất là trường phái hiện thực), tìm lời giải đáp trong tôn giáo (nhất là Ki-tô giáo), học theo những người Bohemian (lối sống hippie, YOLO, mặc kệ đời mà vui sống,…). Tác giả có bàn về thay đổi chính trị trong chương 3, phần 2 nhưng chỉ dừng ở mức: meritocracy (chế độ nhân tài) không tồn tại, tư tưởng thống trị tư bản không có gì là tự nhiên cả và có thể / nên thay đổi. Tác giả chốt lại phần này với luận điểm: muốn đem lại thay đổi chính trị thì phải hiểu nó trước đã. Khi lật qua trang kế và nhận ra chương 3 kết thúc tại đó, mình thật sự hơi sốc vì cứ tưởng nãy giờ đọc phần giới thiệu vì tác giả chưa đi vào đâu cả.

Vấn đề của Alain de Botton trong quyển sách này là biến bạo lực và đàn áp hệ thống thành vấn đề tâm lý cá nhân có thể được giải quyết nếu bạn: chiêm ngưỡng những bức tranh trường phái hiện thực châu Âu thể kỷ 19, nhận ra vẻ đẹp của người dân bình thường (common folks) trong tiểu thuyết của Jane Austen, trau dồi lòng vị tha và sự thấu hiểu qua các tiểu thuyết bi kịch như Madame Bovary, đọc chủ nghĩa khắc kỷ để có thể bỏ ngoài tai sự đánh giá của xã hội mà vui sống, gặt hại được những bài học quý báu về đạo đức theo triết lý Ki-tô giáo, học từ những người Bohemian hay hippie cách sống YOLO và chối bỏ tục lệ xã hội,...

Những “giải pháp” này quá lắm cũng chỉ có thể nói là ngây thơ, nếu không muốn nói là mang tính chất tân tự do (neoliberal). Những giái pháp này, chúng ta có thể thấy rõ, nhắm vào một đối tượng cụ thể: thành phần hưởng nhiều đặc quyền (priviledged) trong xã hội (và thường cũng chính họ là những người ủng hộ chủ nghĩa tân tự do) vì không phải ai – và nhất là những người thuộc tầng lớp lao động, nạn nhân lớn nhất của phân biệt giai cấp – cũng có điều kiện để áp dụng những giải pháp này. Qua điểm này, tính chất thương mại của cuốn sách được làm rõ.

2. Dịch thuật và ấn phẩm

Mình có một số vấn đề với bản dịch của Trần Quốc Tân và ấn bản của Nhã Nam mà mình nghĩ nên nói ra cho các bạn nào có ý định đọc quyển này bằng tiếng Việt.

2.1. Dịch văn phong của Alain de Botton

Như lời giới thiệu nói, ngòi bút của tác giả “lúc trang nhã cổ kính lúc thời thượng khôi hài” – mình có đọc qua tác giả từ The School of Life và công nhận nhận xét này (tuy mình cũng nghĩ nó hơi tâng bốc quá một chút). Đáng tiếc là văn phong ấy khi dịch ra tiếng Việt (bởi dịch giả Trần Quốc Tân) thì không còn tự nhiên và trôi chảy nữa. Thay vào đó, mình thấy câu cú rất khó đọc, thiếu tự nhiên và khiến mình phải đọc lại nhiều lần. Thật ra, điều này không phải hiếm gặp khi đọc sách dịch và mình thông cảm với dịch giả.

2.2. Thuật ngữ:

Mình thấy một số thuật ngữ được dịch rất… kỳ lạ. Ví dụ như “meritocracy” được dịch là “nền tinh anh trị” và theo mình tìm trên Google thì có vẻ chỉ có Trần Quốc Tân dịch như vậy thôi. Mình thấy cách dịch này có vấn đề vì “tinh hoa/tinh anh” thường được dùng để dịch chữ “elite” và các từ phái sinh từ nó. Cũng vì vậy mà ban đầu mình còn tưởng “nền tinh anh trị” là dịch từ “elitism”.

Một từ khác là “snob” được dịch là “hơm hĩnh/những kẻ hợm hĩnh”. Bản thân mình thấy “hợm hĩnh” không truyền tải được bối cảnh văn hóa của “snob” – những người nghĩ mình tốt hơn, sang trọng hơn những người “tầm thường” khác và thường chế giễu những thói quen, cử chỉ, hành vi của những người mà họ cho là tầm thường. Mỉnh hiểu việc có thể ở Việt Nam không có một chữ, một khái niệm tương đương để có thể dùng ở đây, nhưng điều đó có thể giải quyết bằng cách thêm ghi chú để giúp người đọc hiểu rõ hơn.

2.3. Lỗi in sai

Trang 238 có một lỗi in sai khá nghiêm trọng trong bảng “Tỉ lệ người Bắc Mỹ cho biết những vật phẩm sau đây là thiết yếu”. Ở hàng “Máy rửa bát”, cột “năm 2000” là 44% chứ không phải là 4%. Luận điểm ở đây là năm 1970 số người cho rằng máy rửa bát là thiết yếu chỉ có 8% nhưng đến năm 2000 tăng lên 44%, việc in sai thành 4% khiến người đọc hiểu rằng người Bắc Mỹ sau 30 năm không còn thấy máy rửa bát là thiết yếu nữa.

3. Mình có gợi ý cuốn sách này không?

Câu trả lời là: Có thể…? Tùy vào đối tượng và nếu có gợi ý thì mình cũng sẽ ngần ngại một tí vì những lí do nêu trên. Tuy vậy, mình nghĩ với tư cách là một cuốn sách phát triển bản thân/triết học pop thì cuốn sách này rất thành công và đáp ứng nhu cầu của nhóm độc giả mà nó hướng đến.

Một số lí do vì sao mình có thể tưởng tượng bản thân mình gợi ý cuốn sách này cho người khác:

3.1. Dễ tiếp cận

Điểm mạnh của quyển sách này là nó rất dễ tiếp cận từ hình thức đến nội dung.

Về hình thức: sách có bố cục gọn gàng, mỗi chương lại được tách thành nhiều “chương nhỏ”, trong mỗi “chương nhỏ” thì cũng chia nhỏ nữa. Mình nghĩ điều này tạo thuận lợi cho những ai không có thói quen đọc sách hoặc bận rộn, ít có thời gian để đọc sách. Tuy nhiên, mình cũng thừa nhận cách viết fragmented này làm mình thấy toàn bộ quyển sách thiếu liên kết. Ngoài ra, sách còn có hình vẽ và tranh, nhất là ở chương Nghệ Thuật – giúp cho người đọc dễ hình dung.

Về nội dung: sách nhiều thông tin và được trình bày dễ hiểu, người đọc không cần phải biết qua triết gia này, triết gia nọ, tác phẩm này, tác phẩm nọ để có thể hiểu những gì tác giả truyền đạt. Tác giả đưa trích dẫn và giải thích một cách đơn giản, mang đến cho độc giả đại chúng những kiến thức mà không phải ai cũng có cơ hội được học hay biết đến (văn học, nghệ thuật, triết học,…).

3.2. Có khả năng đẩy cửa sổ Overton về cánh tả-trung

Đúng là cái nhìn, cách tiếp cận, hướng giải quyết vấn đề của tác giả rất neoliberal và mang tính cá nhân (individualistic), một số quan điểm phản tư bản (anti-capitalist) cơ bản cũng được nêu lên: chế độ nhân tài (meritocracy) là một lời nói dối tai hại, chủ nghĩa tư bản gây hại đến con người và khiến chúng ta lo âu nhiều hơn, hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa tự thể hiện bản thân như là lẽ tự nhiên nhưng thật ra thì không và có thể/nên được thay đổi.

Cách tiếp cận của tác giả không làm độc giả đại chúng sợ mà bỏ đi. Với tình hình chính trị hiện nay khi mà phần lớn mọi người chấp nhận và không phản kháng tư tưởng tư bản chủ nghĩa, mình nghĩ chỉ việc bàn luận về vấn đề giai cấp, sử dụng các thuật ngữ như “vô sản”, “tư sản”, “giai cấp lao động”,… cũng đủ để làm người ta sợ bỏ chạy không dám đọc rồi. Mình nghĩ với cách tiếp cận của Alain de Botton, độc giả đại chúng sẽ sẵn lòng tiếp thu những quan điểm phản tư bản hơn. Điều này có lẽ càng đúng hơn với độc giả Việt Nam, khi mà “tư bản” thường bị hiểu nhầm là nền chính trị các nước châu Âu và bắc Mỹ còn những quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc là không tư bản. Tuy nhiên, mình không thật sự chắc về điểm này bởi hầu hết cuốn sách tập trung vào những thứ khác.

3.3. Mình sẽ không gợi ý quyển sách này cho ai?

Những ai đã có hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa tư bản, vấn đề giai cấp, triết học chính trị, chủ nghĩa Marx, xã hội học,… hay nói chung là những ai, như mình, giữ quan điểm chính trị cánh tả. Mình thật sự không nghĩ quyển sách này sẽ mang lại gì cho các bạn và khả năng bạn sẽ bực mình không hề thấp. Cá nhân mình thì đây chắc chắn là lần cuối mình đọc Alain de Botton.

Nếu bạn thật sự vẫn muốn đọc, mình khuyên các bạn không nên mong đợi quá nhiều và biết rõ rằng đây là một quyển sách triết học pop mang tính phát triển bản thân (self-help) chứ không phải là tiểu luận triết học hay khoa học gì cả.


Đấy là những quan điểm và trải nghiệm đọc “Nỗi lo âu về địa vị” của mình. Mình hi vọng là bài review/phê bình (?!) này giúp bạn quyết định nên hay không nên tìm đọc quyển sách / tác giả này. 

Comments